Nước và sức khỏe
Ngộ độc nước – Chuyện thật như đùa?
Ngộ độc nước do uống quá nhiều nước rất hiếm gặp nhưng tình trạng này đã gặp trên lâm sàng và đã được ghi nhận. Triệu chứng ngộ độc nước khá giống với bệnh lý thông thường nên nhiều người không phát hiện, đến khi tình trạng trở nặng và phải đi cấp cứu. Vậy ngộ độc nước được hiểu như thế nào và nó ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe của người bệnh?
Nội dung:
NGỘ ĐỘC NƯỚC LÀ GÌ?
Ngộ độc nước (hay nhiễm độc nước, hạ natri máu) là một sự xáo trộn về chức năng não, các bệnh nhân thường có biểu hiện chung là nồng độ muối trong máu giảm thấp dưới ngưỡng, giống như hạ natri máu.
Căn bệnh này thường có các triệu chứng như buồn nôn, nôn và đau đầu, trong một số trường hợp sẽ gây phù não, lú lẫn, co giật, hôn mê và thậm chí dẫn tới tử vong…
Trong điều kiện bình thường, việc uống một lượng nước quá nhiều rất hiếm, nhưng nó hoàn toàn có xảy ra trong các trường hợp như từ các cuộc thi uống nước (người chơi phải uống càng nhiều càng tốt), tập thể dục cường độ cao sau đó uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn, những người uống thật nhiều nước để giảm cân…
Vào năm 2008 đã xảy ra trường hợp của một người mẹ ở Anh tên là Jacqueline Henson (40 tuổi) tử vong vì ngộ độc nước. Cô đã uống 4 lít nước trong khoảng 2 giờ đồng hồ theo một chương trình giảm cân nghiêm ngặt, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là não bị sưng dẫn tới tử vong.
Một trường hợp khác là ông Wang (50 tuổi) sống tại Trung Quốc. Do mắc bệnh gút và sỏi thận nên mỗi ngày ông uống ít nhất 10 chai nước, sau 2 tuần như vậy thì ông rơi vào bất tỉnh và phải đi cấp cứu. Bác sĩ điều trị nói rằng ông Wang đã uống quá nhiều nước nên dẫn đến sự mất mát lượng lớn các ion natri trong cơ thể.
Theo tiến sĩ Frankie Phillips tại Hiệp hội Dinh dưỡng Anh: “Nếu chúng ta uống quá nhiều nước trong một thời gian ngắn, thận không thể loại bỏ các chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể đủ nhanh, máu trở nên loãng kèm theo nồng độ muối rất thấp”. Chính điều này đã dẫn đến ngộ độc nước.
Chúng ta vẫn biết rằng việc cung cấp nước cho cơ thể là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước thì không những không làm cho lợi ích tăng lên, trái lại còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng, mà điển hình là các trường hợp kể trên.

TRIỆU CHỨNG NGỘ ĐỘC NƯỚC BẠN NÊN BIẾT
Đa phần các triệu chứng ngộ độc nước có những dấu hiệu như sau:
- Đau đầu
- Buồn nôn hoặc nôn
- Tăng huyết áp
- Hoang mang
- Song thị
- Buồn ngủ
- Yếu cơ và chuột rút
- Mất cảm giác
- Dạ dày khó chịu, chướng bụng
- Trường hợp nặng người bệnh có thể phù não, rối loạn thần kinh, hôn mê hoặc tử vong.

THỪA NƯỚC GÂY HẠI NHƯ THẾ NÀO?
Việc uống quá nhiều nước gây thừa nước sẽ dẫn đến các hậu quả như:
- Sưng các tế bào, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến sưng não, rất nguy hiểm cho sức khoẻ.
- Gây hạ kali với các triệu chứng như nôn mửa, huyết áp thấp, tê liệt, buồn nôn và tiêu chảy…
- Co thắt cơ, chuột rút. – Gây hại cho tim, một số trường hợp còn có thể dẫn tới động kinh.
- Ảnh hưởng xấu đến thận, làm suy giảm chức năng thận, có thể gây ra các bệnh về thận như sỏi thận, yếu thận, suy thận…
NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH NGỘ ĐỘC NƯỚC
Trên thực tế, ngộ độc nước thường xảy ra khi uống nhiều hơn 5 lít nước trong thời gian ngắn và rất ít khi xảy ra tình trạng này, vì đa phần một người không thể uống nhiều nước như vậy chỉ trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, một vài trường hợp vẫn có thể xảy ra ngộ độc nước lọc do tham gia các chương trình hay cuộc thi uống nhiều nước, tập luyện thể thao và uống nhiều nước do khát. Thời kỳ chiến tranh việc tra tấn bằng hình thức tạt nước cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc nước lọc.
Ngoài các nguyên nhân trên, sau đây là những tác nhân dẫn đến tình trạng nạp quá nhiều nước vào cơ thể:
• Người bị rối loạn tâm thần, không làm chủ được bản thân, uống nhiều nước trong vô thức khiến cơ thể rơi vào tình trạng ngộ độc nước mà không hề biết.
• Sử dụng chất kích thích như thuốc lắc khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi dẫn đến uống nhiều nước hơn bình thường
• Trẻ sơ sinh thường có trọng lượng thấp, việc uống quá nhiều nước so với mức mà cơ thể cần sẽ khiến tình trạng ngộ độc nước xảy ra.
• Trong quá trình điều trị người bất tỉnh, việc bổ sung chất dinh dưỡng thông qua đường tĩnh mạch hay ống thông mũi dạ dày cần được kiểm soát cẩn thận, tránh gây ra tình trạng ngộ độc nước vì các chất dinh dưỡng thường dùng đa phần ở dạng lỏng.

ĐIỀU TRỊ NGỘ ĐỘC NƯỚC NHƯ THẾ NÀO?
Ngộ độc nước được điều trị dựa trên tình trạng thực tế của bệnh nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của triệu chứng để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất:
- Giảm lượng nước đang uống hoặc ngừng uống nước cho đến khi cơ thể ổn định.
- Sử dụng thuốc lợi tiểu để đẩy lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể.
- Nếu việc uống nhiều nước do một nguyên nhân bệnh lý nào đó gây ra thì người bệnh phải điều trị căn bệnh đó.
- Trong trường hợp hạ natri nghiêm trọng phải điều trị bằng cách bổ sung natri cho người bệnh.
Ngộ độc nước không phải là trường hợp cấp cứu phổ biến. Bên cạnh đó, đây cũng có thể là khái niệm khá xa lạ đối với nhiều người, vì thực tế không ai nghĩ rằng uống nhiều nước cũng có thể bị ngộ độc. Vì thế, mọi người nên tìm hiểu và biết về cách phòng ngừa tình trạng này.
Đối với người hay luyện tập thể thao và làm việc trong môi trường nóng ẩm quanh năm thì nên điều hòa lượng nước nạp vào cơ thể, hoặc sử dụng những loại nước uống có bổ sung thêm các chất điện giải như natri, kali…
Một lưu ý nhỏ là nếu khi đi vệ sinh, bạn thấy màu sắc nước tiểu quá trong thì đây cũng là dấu hiệu cảnh báo bạn đã uống quá nhiều nước và nên điều chỉnh lại lượng nước uống hằng ngày. Không có tiêu chuẩn chính thức nào về lượng nước một người cần uống mỗi ngày.
Lượng nước hấp thụ phù hợp phụ thuộc vào các yếu tố như trọng lượng cơ thể, mức độ hoạt động thể chất, khí hậu, tình trạng sức khỏe, giới tính và tuổi tác.
Tuy nhiên, để ngăn ngừa tình trạng thừa nước, ngộ độc nước, bạn chỉ nên uống nước theo nhu cầu, giúp giữ quá trình chuyển hóa nước và điện giải luôn được ổn định.
UỐNG BAO NHIÊU NƯỚC MỘT NGÀY LÀ ĐỦ?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Tuy nhiên, lượng nước này còn phụ thuộc vào thể trạng, chế độ dinh dưỡng, mỗi trường sống của bạn… Ví dụ, nếu bạn ngồi máy lạnh cả ngày hay thường xuyên phải vận động thể chất thì nên uống nhiều nước hơn một chút. Ngược lại, nếu bạn là ăn nhiều trái cây, rau củ quả thì có thể giảm lượng nước uống vào bởi trong rau củ, trái cây cũng đã chứa một lượng nước nhất định.
Khi uống quá nhiều nước, cơ thể có thể gặp phải các dấu hiệu như nhức đầu cả ngày, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đi tiểu nhiều, nước tiểu trong… Khi đó, bạn nên điều chỉnh lượng nước nạp vào cơ thể ngay nhé!
Nguồn: news.com.au, Curejoy & Rd, Hufftington Post, Daily Mail…
Bài viết liên quan: